Nhạc gia quyền Nhạc Phi

Nhạc Phi tài kiêm văn võ, để lại "Vũ Mục di văn" hay "Nhạc Trung Vũ Vương văn tập" với những áng thơ, từ. Ông được thờ là thủy tổ của "Nhạc gia quyền", nhưng việc ông có viết một bộ binh thư nào không là dấu chấm hỏi.

Theo "Nhạc thị tông phổ" và những nghiên cứu của nhà văn, nhà "Nhạc Phi học" nổi tiếng Châu Cù Nhai thì "Vũ Mục di thư" mà Kim Dung nói đến chính là bộ quyền phổ "Nhạc gia quyền phổ" dạy môn võ công do Nhạc Phi truyền lại đã 800 năm qua được lưu giữ ở Hoàng Mai, Hoàng Cương, tỉnh Hồ Bắc.

Nhạc gia quyền là môn quyền pháp do Nhạc Phi sáng chế và truyền dạy trong đội xung kích chủ lực của quân Tống gọi là "Nhạc gia binh". Do xuất phát từ thực tế chiến trận đương thời, loại quyền này có đặc điểm là đòn đánh ngắn, hiểm, tính xung sát mạnh, hiệu quả chiến đấu rất cao. "Nhạc gia quyền phổ" dạy về quyền và binh khí. Ngoài 10 bài quyền chính và thương, đao, kiếm, côn, còn có các phần quyền luận, thuật vận khí, thuật điểm huyệt, giải huyệt, cứu thương, trật đả… nội dung rất phong phú, tính thực dụng cao.

Sau khi giết Nhạc Phi, Tần Cối ngầm ra lệnh truy sát con cháu nhà họ Nhạc, hai người con thứ tư, thứ năm là Nhạc Chấn và Nhạc Đình đổi thành họ Ngạc trốn về Nhiếp Gia Loan ở huyện Hoàng Mai, Hoàng Cương.

Đến năm Thiệu Hưng thứ 32 (1162), Tống Hiếu Tông xóa oan án của Nhạc Phi, cho con cháu họ Nhạc đời đời được hưởng ân sủng triều đình. Vùng Hoàng Mai trở thành miền đất võ Nhạc gia quyền của Trung Quốc. Theo khảo sát trong "Hoàng Mai huyện chí" thì từ đời Tống đến năm Quang Tự đời Thanh, trong hơn 600 năm, tại Hoàng Mai có đến hơn 300 tiến sĩ võ, cử nhân võ. Các tiến sĩ võ nổi tiếng đời Minh, đời Thanh như Lý Cam Lai, Nhiêu Vũ Trung, Trương Tuấn Căn… đều thành danh từ Nhạc gia quyền. Hiện nay ở đây cũng có hơn 200 vị võ sư Nhạc gia quyền.

Hậu duệ của Nhạc Phi hiện đã truyền đến đời thứ 31, phân bố tại nhiều tỉnh thành. Truyền nhân Nhạc gia quyền nổi tiếng nhất hiện nay ở Hoàng Mai là võ sư Nhạc Tiến, hậu duệ đời thứ 27 của Nhạc Phi.[2]